Giới thiệu về SAPA- xứ sở Châu Âu thứ 2

Giới thiệu về SaPa
Sa Pa là một thị trấn vùng cao, là một khu nghỉ mát nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nơi đây ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng cây, tạo nên bức tranh có bố cục hài hoà, có cảnh sắc thơ mộng và hấp dẫn từ cảnh quan đất trời vùng đất phía Tây Bắc.

Trung tâm thị trấn Sapa
Sa Pa nằm trên một mặt bằng ở độ cao 1500 đến 1650 mét ở sườn núi Lô Suây Tông. Đỉnh của núi này có thể nhìn thấy ở phía đông nam của Sa Pa, có độ cao 2228 mét. Từ thị trấn nhìn xuống có thung lũng Ngòi Dum ở phía đông và thung lũng Mường Hoa ở phía tây nam.Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 °C. Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 °C – 15 °C vào ban đêm và 20 °C – 25 °C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 °C, đôi khi có tuyết rơi. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8.Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch.
Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết. Trong khoảng thời gian từ 1971 tới 2011, 15 lần tuyết rơi tại Sa Pa. Lần tuyết rơi mạnh nhất vào ngày 13 tháng 2 năm 1968, liên tục từ 3 giờ sáng đến 14 giờ cùng ngày, dày tới 20 cm.
Năm 1897, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định mở một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Những đoàn điều tra đầu tiên đến Lào Cai vào năm 1898.
Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dương đã khám phá ra cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa.
Sapa ngày xưa
Sapa ngày xưa
Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật… Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, Sa Pa được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Tổng cộng, người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự.
Sa Pa bị tàn phá nhiều trong chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979. Hàng ngàn ha rừng thông bao phủ thị trấn bị đốt sạch, nhiều toà biệt thự cổ do Pháp xây cũng bị phá huỷ. Vào thập niên 1990, Sa Pa được xây dựng, tái thiết trở lại. Nhiều khánh sạn, biệt thự mới được xây dựng. Từ 40 phòng nghỉ vào năm 1990, lên tới 300 vào năm 1995. Năm 2003, Sa Pa có khoảng 60 khách sạn lớn nhỏ với 1.500 phòng. Lượng khách du lịch tới Sa Pa tăng lên từ 2.000 khách vào năm 1991 đến 60.000 khách vào 2002.
Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại.  Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức “bãi cát” do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Từ hai chữ “Sa Pả”, người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó thành “Cha Pa” và một thời gian rất dài sau đó người ta dùng “Cha Pa” như một từ tiếng Việt. Về sau, từ này viết được thống nhất là Sa Pa.
Thị trấn Sa Pa trước đây có một mạch nước đùn lên màu đỏ đục, nên dân địa phương gọi là “hùng hồ”, tức “suối đỏ”.

Trẻ em dân tộc H'mong, Sa Pa.
Đây là nơi sinh sống của dân cư 06 dân tộc Kinh, H’Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó. Các dân tộc ở  Sa Pa đều có những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng:
  • Hội Roóng pọc của người Giáy vào tháng giêng âm lịch.
  • Hội Sải sán (đạp núi) của người H’Mông.
  • Lễ Tết nhảy của người Dao diễn ra vào tháng tết hàng năm.
Những ngày phiên chợ ở Sa Pa nhộn nhịp vào tối thứ bảy kéo dài đến chủ nhật hàng tuần. Chợ Sa Pa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách từ phương xa tới. Người ta còn gọi nó là “chợ tình Sa Pa” vì ở đây nam nữ thanh niên người dân tộc H’Mông, Dao đỏ có thể nhờ âm thanh của khèn, sáo, đàn môi, kèn lá hay bằng lời hát để tìm hay gặp gỡ bạn tình.

Sapa là vương quốc của hoa trái, như hoa đào, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa hồng, hoa lê, hoa cúc…..đặc biệt hoa bất tử sống mãi thời gian.
Sapa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên là nơi thu hút khách du lịch tới thăm quan như Thác Bạc cao khoảng 200 m với những dòng nước đổ ào ào tạo thành âm thanh núi rừng đầy ấn tượng, Cầu Mây là một di tích lịch sử của người dân tộc.

Cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm nhìn đỉnh Phanxipang. Đỉnh Phanxipang cao 3.143m rất hợp cho những người thích môn leo núi và cũng là nơi có nhiều động thực vật quý hiếm.Tiếp tục khám phá Sapa, chúng ta còn thấy được động Tả Phìn với độ rộng có thể chứa một lượng người cỡ trung đoàn của quân đội. Trong hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh.


Bãi Đá Cổ Sapa nằm trong thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ vẫn chưa giải mã được. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hàng di tích quốc gia. Nếu ai đã đặt chân tới


Sapa chắc chắn không thể không đi thăm núi Hàm Rồng. Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, màu sắc sặc sỡ và được trồng theo từng khuôn viên. Nơi đây cũng có vườn lan với nhiều loại.


Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn, bất kỳ du khách nào cũng có thể lên đó ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sapa, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của
Sapa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Sapa với 6 dân tộc người cư trú, mỗi tộc người có một vốn văn hoá riêng với các lễ hội như lễ hội “Roóng Pọc’’ của người Giáy Tả Van. Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch, người Giáy ở Tả Van lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội “Sải Sán” (đạp núi) của người Mông, lễ “Tết Nhảy’’ của người Dao Đỏ khoảng cuối giờ Thìn đầu giờ Tỵ ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hằng năm, lễ hội Tết Nhảy – một hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Dao Đỏ sẽ được tổ chức duy nhất tại nhà ông trưởng họ bản Tả Phìn.

Chợ phiên của Sa Pa họp vào ngày chủ nhật tại thị trấn Sapa. Người dân ở vùng xa phải đi ngày thứ bảy. Vào tối thứ bảy mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Mông, bằng những bát rượu tràn đầy của người có tuổi….và người ta đã đặt cho nó là “chợ tình”.
Nói đến Sapa, không thể không nhắc đến các làng nghề ở đây. 
Làng Cát Cát là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt nơi đây còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có hoặc không còn tồn tại nguyên gốc.

Làng thổ cẩm Tả Phìn thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 17 km về hướng đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các lễ hội như Tết Nhảy của người Dao Đỏ, lễ ăn thề, lễ mừng nhà mới của người dân tộc. Tả Phìn còn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi ở đó có một làng nghề thổ cẩm nổi tiếng.
Thôn Tả Van Giáy với sự sinh sống chủ yếu của người Giáy vừa truyền thống vừa hiện đại.
Bản Phố là một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đến đây, khách vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng vùng cao vừa được thường thức đặc sản Bản Phố, đặc biệt là rượu ngô Bản Phố.

Nhắc đến Sapa, không thể không ai lại không biết tới các món ăn ở đây mang hương vị núi rừng như Thắng Cố, lợn bản cắp nách nướng, cá suối Sapa trong đó phải nhắc tới là Cá Tầm và Cá Hồi được nhập từ nước ngoài về.Trong cái lạnh Sapa, một nồi lẩu cá hồi nóng hổi ăn kèm cùng các loại rau xanh, thực khách không nhớ mãi mới là chuyện lạ. Là xứ lạnh, Sapa nổi tiếng với các loại rau như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cải đỏ, su su, rau cải mèo v…v. Miếng ngon Sa Pa cũng có thể kể được nhiều nữa, như món xúc xích thịt lợn các gia đình thường tự làm hông khói trong bếp, nấm hương tươi xào thịt, thịt gà đen (đen từ da, thịt, đến tận xương), các món nướng đủ loại v.v.. Nhưng có một thứ đặc sản mà nếu thiếu nó trong bữa ăn thì sẽ làm giảm đi hương vị Sapa. Đó là rượu San Lùng, rượu Táo Mèo, với một ly rượu dân tộc này trong bữa ăn sẽ mang lại sự cảm nhận tinh tế trong mỗi con người chúng ta về các món ăn ở đây. Sẽ là quá dài nếu nói tiếp về Sapa vì đây là mảnh đất với bao sự kỳ thú, vậy hãy bắt đầu hành trình của mình để khám phá về vùng đất thơ mộng, thị trấn Sapa trong sương mà bạn chưa biết tới.
Giới thiệu về SAPA- xứ sở Châu Âu thứ 2 Giới thiệu về SAPA- xứ sở Châu Âu thứ 2 Reviewed by mp3aid on 5:48 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.